Ngoài lề Giải_Nobel_Vật_lý

  • Đặc điểm nổi bật của Giải Nobel Vật lý là các công trình nằm trong phần lý do trao giải thường đã được công bố trước đó rất lâu, trong một số trường hợp có thể lên tới hai hoặc ba thập kỷ, nhất là đối với các công trình, tiên đoán lý thuyết đòi hỏi có thực nghiệm kiểm chứng. Vì vậy tuổi trung bình khi nhận giải của 179 nhà khoa học (tính đến hết năm 2006) là khá cao, gần 53 tuổi. Cho đến nay, người nhiều tuổi nhất khi được trao Giải Nobel Vật lý là Raymond Davis Jr., ông nhận giải Nobel năm 2002 khi đã 88 tuổi, đây cũng là kỉ lục về độ tuổi của một người được trao Giải Nobel nói chung. Raymond Davis Jr. được nhận giải vì những đóng góp của ông trong thí nghiệm thu neutrino Mặt Trời, một thí nghiệm đã được tiến hành từ thập niên 1970. Được tưởng thưởng cho cống hiến của mình sau gần 30 năm, nhà khoa học này đã bắt đầu có triệu chứng của bệnh Alzheimer, và ông mất không lâu sau đó vào năm 2006. Những trường hợp nhận giải muộn như Raymond Davis Jr. không phải là hiếm, có thể kể tới nhà Vật lý Vitaly Ginzburg được trao Giải Nobel Vật lý năm 2003 khi đã 87 tuổi cho nghiên cứu lý thuyết từ những năm 1950, hay Pyotr Leonidovich Kapitsa được trao giải năm 1978 khi đã 84 tuổi.
  • Tuy nhiên cũng có một vài cá nhân ngoại lệ được trao giải khi còn rất trẻ, cho đến nay người ít tuổi nhất khi được nhận Giải Nobel Vật lý là William Lawrence Bragg, ông được trao giải năm 1915 khi mới 25 tuổi, là một trong những người trẻ nhất từng được trao Giải Nobel. William Bragg được đồng trao giải cùng chính cha của ông là William Henry Bragg, đây là một trong số ba cặp cha con cùng được trao giải Nobel, hai cặp cha con còn lại là Niels Bohr (bố, trao năm 1922) - Aage Bohr (con, trao năm 1975) và J. J. Thomson (bố, trao năm 1906) - George Paget Thomson (con, trao năm 1937). Ngoài ra còn một cặp vợ chồng cùng được trao giải này là Pierre CurieMaria Skłodowska-Curie, hai người nhận Giải Nobel Vật lý năm 1903. Cũng cần biết thêm rằng gia đình nhà Curie là gia đình nhận nhiều giải Nobel nhất cho tới nay với 4 người, ngoài ông bà Pierre và Marie Curie, con gái của hai người là Irène Joliot-Curie và chồng bà là Frédéric Joliot-Curie cũng được trao Giải Nobel Hóa học năm 1935.
  • Người được trao giải muộn nhất sau khi công bố công trình có lẽ là nhà Vật lý người Canada Bertram Brockhouse, ông được trao Giải Nobel Vật lý năm 1994 cho những nghiên cứu về Vật lý chất rắn từ những năm 1950, tức là sau khoảng 40 năm Brockhouse mới được tưởng thưởng cho những đóng góp của mình. Trong khi đó cũng có những công trình được trao giải rất sớm, đặc biệt là các công trình thực nghiệm, ví dụ điển hình là Giải Nobel Vật lý năm 1984, khi hai người nhận giải Carlo RubbiaSimon van der Meer được trao giải vì những đóng góp quyết định trong thí nghiệm UA1 dò được hạt W chỉ một năm trước đó.
  • Người duy nhất cho đến nay được nhận hai Giải Nobel Vật lý là John Bardeen, ông được trao giải năm 1956 vì những đóng góp trong việc phát minh ra transistor và năm 1972 cho những nghiên cứu về siêu dẫn.
  • Trong lịch sử Giải Nobel Vật lý, mới chỉ có hai nhà Vật lý nữ được trao giải, đó là Maria Skłodowska-Curie (trao năm 1903) và Maria Goeppert-Mayer (trao năm 1963), ngoài ra đã có một số nhà khoa học nữ đã trượt giải một cách đáng tiếc như Ngô Kiện Hùng hoặc Lise Meitner. Vì vậy, dư luận đã từng nhiều lần chỉ trích Ủy ban Giải Nobel vì cho rằng giữa các thành viên của ủy ban vẫn tồn tại tình trạng "trọng nam khinh nữ".
Nhà Vật lý Philipp Lenard

Philipp Lenard, người được trao Giải Nobel Vật lý năm 1905 sau đó đã trở thành cố vấn cho Adolf Hitler trong cương vị người đứng đầu ngành Vật lý "của người Aryan", ông này đã góp phần truyền bá tư tưởng phân biệt chủng tộc trong khoa học và coi thuyết tương đối của Albert Einstein chỉ là trò lừa bịp và không đáng được trao giải Nobel, vì vậy năm 1921, Einstein chỉ được nhận Giải Nobel vì những đóng góp trong giải thích hiện tượng quang điện chứ không phải vì thuyết tương đối vốn nổi tiếng hơn nhiều. Johannes Stark, một nhà Vật lý Đức gốc Bavaria được trao giải Nobel năm 1919, sau này cũng đóng vai trò quan trọng trong cuộc vận động chống "nền Vật lý Do Thái" của Đức Quốc xã.

William Bradford Shockley được đồng trao giải năm 1956 "vì phát minh ra transistor", sau khi được trao giải ông này đã lại trở thành người ủng hộ nhiệt tình cho thuyết ưu sinh[19][20] mà sau đó được chứng minh là sai lầm hoàn toàn.

Triệu Trung Nghiêu khi là một nghiên cứu sinh ở Caltech năm 1930 đã lần đầu tiên dò được positron thông qua phản ứng hủy cặp electron-positron, tuy vậy ông đã không nhận ra bản chất của thí nghiệm này. Sau đó Carl D. Anderson đã được trao Giải Nobel Vật lý năm 1936 nhờ việc phát hiện ra positron khi sử dụng cùng một nguồn đồng vị (thorium carbide, ThC) như Triệu. Mãi về sau, Anderson mới thừa nhận rằng thí nghiệm của Triệu Trung Nghiêu đã giúp ông tìm ra positron. Tuy vậy Triệu chết năm 1998 mà không bao giờ được nhận giải Nobel vì đóng góp của mình[21].

Mặc dù nhà Vật lý người Brasil César Lattes là nhà nghiên cứu và tác giả chính của bài báo lịch sử trên tờ Nature về việc mô tả hạt cơ bản pion, Giải Nobel Vật lý năm 1950 lại chỉ được trao cho giám đốc phòng thí nghiệm của Lattes là Cecil Powell. Có điều này là do đến tận thập niên 1960, Ủy ban Giải Nobel thường chỉ xét giải cho người đứng đầu nhóm nghiên cứu hoặc phòng thí nghiệm.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Giải_Nobel_Vật_lý http://datrach.blogspot.com/2004_12_07_datrach_arc... http://www.britannica.com/nobelprize/article-90560... http://edition.cnn.com/SPECIALS/1997/nobel.prize/s... http://www.jimloy.com/physics/edison.htm http://resources.metapress.com/pdf-preview.axd?cod... http://www.nobelprizes.com/nobel/physics/ http://www.washingtonpost.com/wp-srv/style/longter... http://www1.hollins.edu/faculty/richter/327/Absent... http://darkwing.uoregon.edu/~chinaus/publications/... http://www.vanderbilt.edu/AnS/physics/brau/H182/Ha...